Hồ Xuân Hương được biết đến là một thi sĩ nổi tiếng bởi những bài thơ bà để lại. Một số được đưa vào chương trình ngữ văn trung học phổ thông, xuất hiện khá nhiều ở những chương trình thi cử. Trong đó mảng thơ Nôm có nhiều tác phẩm nổi bật vì thế thi sĩ Xuân Diệu đã mạo muội tôn Hồ Xuân Hương làm Bà chúa thơ Nôm mà hiện nay được nhiều người sử dụng khi mô tả về bà.
Hầu hết thi ca Hồ Xuân Hương theo dòng chảy chung đã thoát được các quan niệm sáng tác cố hữu vốn đề cao niêm luật chặt chẽ để bộc lộ được tiếng nói của thời đại mình, có nhiều người cho rằng đặc sắc của thơ bà là “thanh thanh tục tục”. Dưới đây chúng tôi xin tổng hợp những bài thơ hay nhất của Hồ Xuân Hương, được nhiều người biết đến trong kho tàng thơ đồ sộ mà bà để lại.
Những bài thơ hay nhất của Hồ Xuân Hương
Nội dung
1. Thơ tự tình – Hồ Xuân Hương
Tiếng gà xao xác gáy trên vòm,
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om.
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau hận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai đó tá,
Thân này đâu đã chịu già tom.
(Theo bản khắc 1921)
2. Lấy chồng chung – Hồ Xuân Hương
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Năm chừng mười hoạ hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.
Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn mướn không công.
Nỗi này ví biết dường này nhỉ,
Thời trước thôi đành ở vậy xong.
(Theo bản khắc 1914)
3. Đánh đu – Hồ Xuân Hương
Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông,
Trai co gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá.
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!
4. Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương
Thân em thời trắng phận em tròn,
Bảy nổi ba chìm mấy nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.
(Theo bản khắc 1914)
5. Canh khuya – Hồ Xuân Hương
Canh khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan mấy nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây đá mấy chòm.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình son trẻ tí con con.
(Theo bản Quốc văn tùng ký)
6. Đánh cờ – Hồ Xuân Hương
Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Ðốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Ðể đôi ta quyết liệt một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen,
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.
Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Ðem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu,
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà.
7. Quả mít – Hồ Xuân Hương
Thân em như quả mít trên cây,
Da nó xù xì múi nó dày.
Quân tử có yêu xin đóng cọc,
Đừng mân mó nữa nhựa ra tay.
(Theo bản khắc 1914)
8. Vịnh cái quạt – Hồ Xuân Hương
Mười bảy hay là mười tám đây,
Cho ta yêu dấu chẳng dời tay.
Mỏng dày chừng ấy chành ba góc,
Rộng hẹp ngần nao cắm một cay.
Càng nực bao nhiêu thời càng mát,
Yêu đêm chẳng chán lại yêu ngày.
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy,
Chúa dấu vua yêu một cái này.
(Theo bản Quốc văn tùng ký)
9. Cảnh thu – Hồ Xuân Hương
Thánh thót tầu tiêu mấy giọt mưa,
Bút thần khôn vẽ cảnh tiêu sơ,
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ.
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu,
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ,
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ.
10. Vấn nguyệt – Hồ Xuân Hương
Trải mấy thu nay vẫn hãy còn,
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn?
Hỏi con Bạch Thố đà bao tuổi?
Hỏi chị Hằng Nga đã mấy con?
Đêm tối cớ sao soi gác tía?
Ngày xanh còn thẹn mấy vầng tròn.
Năm canh lơ lửng chờ ai đó?
Hay có tình riêng mấy nước non?
(Theo Quốc văn tùng ký)
Trên đây là những tổng hợp của chúng tôi để các bạn đọc và tham khảo. Mỗi người có một bình phẩm khác nhau tuy nhiên khi nhắc đến bà ai cũng phải công nhận bà là một thi sĩ tài năng đã để lại cho nền văn thơ nước nhà những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt hiếm ai có thể so sánh.